Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Công bố thanh tra Dự án cấp nước Vũng Áng đội vốn 2.550 tỷ đồng

“Trong kết luận thanh tra ban hành năm 2014 về quản lý đất đai và một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện và nêu rõ nhiều sai phạm tại Dự án cung cấp nước Khu kinh tế Vũng Áng rồi, trong đó có việc đội vốn rất lớn nhưng tại sao bây giờ lại phải thanh tra lại như vậy?”- phóng viên Dân trí đặt vấn đề.

Một lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho biết, việc thanh tra, làm rõ việc đội vốn rất lớn tại dự án cung cấp nước Khu kinh tế Vũng Áng được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hơn nữa, kết luận thanh tra ban hành năm 2014 mới “chốt” các vấn đề tại dự án này tính đến năm 2012.

“Từ năm 2013-2015 Nhà nước tiếp tục phải rót ngân sách đầu tư thêm vào dự án này nên cuộc thanh tra lần này sẽ phải làm rõ tất cả mọi vấn đề”- vị này nói.

Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho Khu công nghiệp Vũng Áng có hiện tượng chỉ định thầu bất thường đã bị Thanh tra Chính phủ phát hiện.
Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho Khu công nghiệp Vũng Áng có hiện tượng chỉ định thầu bất thường đã bị Thanh tra Chính phủ phát hiện.

Như Dân trí từng liên tục phản ánh, từ trước năm 2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Công ty cổ phần Kinh doanh nước Hà Tĩnh làm chủ đầu tư dự án với nguồn vốn xã hội hóa. Công ty này đã triển khai thực hiện dự án với giá trị ước đạt trên 33,4 tỷ đồng nhưng do thực hiện chậm tiến độ nên UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định chấm dứt hoạt động đầu tư và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Đến tháng 4/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản đồng ý cho Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn lập hồ sơ, thủ tục dự án đầu tư cấp nước Khu kinh tế Vũng Áng.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn là cổ đông lớn của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng (chiếm 92%). Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng (chủ đầu tư) và dự án được thực hiện hình thức 100% của nhà đầu tư trong nước, vốn đầu tư trên 3.004 tỷ đồng, gồm vốn chủ sở hữu 1.000 tỷ đồng, vốn vay 2.004 tỷ đồng, không có vốn nhà nước.

Sau khi có các văn bản thẩm tra của các cơ quan chức năng, ngày 12/9/2012 chủ đầu tư đã có quyết định số 289 phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư trên 4.415 tỷ đồng, bao gồm vốn tự có, vốn vay, vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Quyết định phê duyệt dự án chưa xác định cụ thể được mức vốn hỗ trợ và cơ chế quản lý đối với phần vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Theo đề nghị của chủ đầu tư và UBND tỉnh Hà Tĩnh, năm 2012 Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định “cho áp dụng và vận dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước” đối với dự án. Tiếp đó, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan kiểm tra năng lực (cả về chuyên môn và tài chính), kinh nghiệm quản lý, thực hiện dự án của chủ đầu tư. Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét và chịu trách nhiệm toàn diện trong việc lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để đảm bảo chất lượng và tiến độ dự án.

Sau khi xem xét báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư cho các hạng mục của dự án như đề nghị nhưng mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương tối đa không vượt quá 819 tỷ đồng.

Tuy nhiên kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết, nếu tách riêng số tiền ngân sách hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng do UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thực hiện thì phần vốn Nhà nước so với tổng mức đầu tư là 1.390 tỷ đồng, chiếm hơn 31,4%. Chiểu theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2005, “dự án sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên cho mục tiêu đầu tư phát triển phải thực hiện đấu thầu”, nhưng chủ đầu tư đã chỉ định các gói thầu tư vấn và xây dựng, trong đó có cả nhà thầu là cổ đông của chủ đầu tư.

“Khi chưa xác định được nguồn vốn nhà nước hỗ trợ trong tổng mức đầu tư đã phê duyệt và cơ chế quản lý phần vốn nhà nước hỗ trợ nhưng chủ đầu tư thực hiện chỉ định thầu (trong đó có cả nhà thầu là cổ đông chiến lược của chủ đầu tư) khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép là vi phạm các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng”- kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh: Trình tự, thủ tục chọn chủ đầu tư dự án không tuân thủ theo quy định (trước khi Thủ tướng có văn bản chỉ đạo), thể hiện sự “tiền trảm, hậu tấu” nóng vội, chủ quan và duy ý chí. Việc chấm dứt hoạt động đầu tư và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án cấp nước của Công ty cổ phần Kinh doanh nước Hà Tĩnh tiềm ẩn nhiều phát sinh khiếu kiện.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ khẳng định, UBND tỉnh Hà Tĩnh chọn chủ đầu tư là đơn vị không chuyên ngành, chưa có kinh nghiệm trong khi dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, có tính chất đa mục tiêu, gồm nhiều hạng mục phức tạp, thi công trên địa bàn trải rộng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, thời tiết khắc nghiệt.

Trách nhiệm thuộc về Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng và thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm liên quan.

Gần đây nhất, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Thanh tra Chính phủ làm rõ việc điều chỉnh tổng mức đầu tư kinh phí Dự án cung cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) từ 1.850 tỷ đồng lên 4.400 tỷ đồng và việc được hỗ trợ từ ngân sách địa phương.

Thế Kha

Tag :Thanh tra Chính phủ, Dự án cấp nước khu kinh tế Vũng Áng, Vũng Áng, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Tập đoàn Hoành Sơn, kết luận thanh tra, đội vốn, Công ty cổ phần Kinh doanh nước Hà Tĩnh, tiền trảm hậu tấu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét