Người tiêu dùng đã mua hoặc sử dụng C2, Rồng Đỏ nhiễm chì vượt quy định sẽ được Công ty URC Hà Nội bồi thường?
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM khẳng định, người tiêu dùng ở nhiều nước trên thế giới có “quyền lực” rất lớn bởi họ có một cơ quan được tổ chức chuyên nghiệp bảo vệ, sẵn sàng đứng ra khởi kiện, đòi hỏi doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hàng hóa mắc lỗi, gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người phải bồi thường. Trong khi đó, người tiêu dùng ở Việt Nam từ trước tới nay thường vẫn phải “ngậm trái đắng” khi mua phải sản phẩm mắc lỗi, không đạt yêu cầu như đã đăng ký.
“Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn đã quy định khá chi tiết nhưng thực tế thì chúng ta không thực hiện được. Các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng chưa thực sự có tiếng nói đủ mạnh để đại diện cho hàng chục triệu người tiêu dùng trên khắp cả nước đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình mỗi khi mua và sử dụng phải sản phẩm mắc lỗi. Tôi cho rằng việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) đang thương thảo và buộc Công ty URC Hà Nội phải bồi thường cho người dân sử dụng sản phẩm C2, Rồng Đỏ nhiềm chì rất hay, mở ra nhiều cánh cửa giải quyết chuyện tương tự trong tương lai”- ông Hậu nói.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định, việc đưa ra một con số bồi thường trong trường hợp này sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi thực tế sản phẩm C2, Rồng Đỏ sẽ được tiêu thụ rải rác, không tập trung trên vùng lãnh thổ rộng lớn.
“Tôi cho rằng nên căn cứ vào số lượng sản phẩm C2, Rồng Đỏ mà Công ty URC Hà Nội đã bán ra thị trường và không thu hồi lại được để làm căn cứ định ra một khoản tiền bồi thường cho người tiêu dùng. Khoản tiền này sẽ được nộp vào một quỹ quản lý chặt chẽ và sẵn sàng bồi thường cho người dân sử dụng sản phẩm có khiếu nại, phản ánh. Tuy nhiên trước mắt VINASTAS cần gửi văn bản tới các địa phương thông báo việc tiếp nhận phản ánh về chuyện này, để xem có nhiều khiếu nại, đòi bồi thường hay không ?”- ông Hậu nói và cho rằng, đã tới lúc VINASTAS cần có những cải tổ mạnh mẽ, chuyên nghiệp để có thể xử lý những vụ việc tương tự trong tương lai.
Trong khi đó, luật sư Phạm Văn Phất - Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định đây sẽ là câu chuyện mở ra nhiều vấn đề cần phải tính toán kỹ lưỡng trong tương lai.
“Doanh nghiệp sản xuất và bán ra thị trường những sản phẩm mắc lỗi, có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng từ trước tới nay chưa tạo thành một vấn đề lớn, gây bức xúc hoặc có nhiều căn cứ để cột chặt trách nhiệm của họ trong việc giải quyết, khắc phục hậu quả. Sự việc buộc công ty URC Hà Nội phải bồi thường cho người tiêu dùng lần này sẽ là tiền đề để VINASTAS làm tiếp những sự việc khác khi dư luận xã hội lên tiếng bức xúc”- ông Phất nhìn nhận.
Mặc dù vậy, ông Phất nhấn mạnh việc tìm ra những người bị thiệt hại trong việc mua, sử dụng nước giải khát C2, Rồng Đỏ nhiễm chì vượt quy chuẩn cũng khó như việc cây xăng gian lận và sau đó bị cơ quan chức năng phát giác, xử lý.
“Hầu hết người tiêu dùng không còn lưu giữ hoặc không có chứng cứ để chứng minh mình đã tiêu thụ sản phẩm. Chính vì thế VINASTAS và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Y tế chỉ cần căn cứ vào số lượng sản phẩm mà công ty URC Hà Nội đã bán ra thị trường mà không thu hồi về được để làm căn cứ yêu cầu họ phải nộp một khoản tiền bồi thường cho người tiêu dùng. Quỹ này có thể do VINASTAS quản lý, khi nhận được yêu cầu bồi thường sẽ xem xét”- ông Phất nêu quan điểm.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VINASTAS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ gửi công văn tới các hội ở địa phương để huy động các văn phòng tư vấn khiếu nại cùng vào cuộc ghi nhận phản ánh của người tiêu dùng đã mua hoặc sử dụng sản phẩm C2, Rồng Đỏ.
Nếu sau một khoảng thời gian nhất định, không còn khiếu nại của người tiêu dùng thì khoản tài chính bồi thường thiệt hại sẽ được sung công phục vụ cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Nhà nước. Mặc dù vậy, ông Hùng cho biết tại cuộc họp mới đây đại diện Bộ Tài chính lại nói rằng nguồn tiền này không nằm trong số các nguồn của ngân sách nhà nước. Vì thế có thể giao luôn cho Công ty TNHH URC Hà Nội quản lý quỹ này, khi nào có yêu cầu bồi thường từ người tiêu dùng thì giải quyết ngay.
Trước đó, cơ quan chức năng đã phát hiện Công ty TNHH URC Hà Nội sản xuất hai lô sản phẩm thực phẩm, gồm: Trà xanh hương chanh C2 (NSX: 4/2/2016 – HSD: 4/2/2017), nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng Đỏ (NSX: 10/11/2015 – HSD:10/8/2016) có hàm lượng chì cao hơn mức công bố, vi phạm quy định tại điểm a, khoản 2, điều 17, Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Ngoài ra, Công ty URC Hà Nội còn vi phạm do có hành vi bán hai lô sản phẩm thực phẩm này ra thị trường với tổng giá trị hàng hóa vi phạm đã xuất bán, không thu hồi được là hơn 3,875 tỷ đồng. Thanh tra Bộ Y tế đã áp dụng hình thức xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt là hơn 5,826 tỷ đồng.
Thế Kha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét