Có khá nhiều người tìm tới hỏi mua Yă Tao từ ông Ksor Chăm (SN 1940, trú làng Plei Pa Kdranh, Chư Mố, Ia Pa, Gia Lai), nhưng ông Chăm nhất định không bán. Ông và gia đình mình đã gắn bó với chú voi hơn 50 tuổi đời này hàng chục năm nay, nó đã trở thành thành viên không thể thiếu trong gia đình ông…
Và có lẽ hơn ai hết, ông Chăm là người luôn hoài niệm về quá khứ. Ngồi trầm ngâm trên ngôi nhà dài truyền thống của người J’rai, mắt nhìn xa xăm, quá khứ như ùa về trước mắt ông Chăm: “Trước kia, xung quanh đây là rừng, khắp nơi đều là rừng, trong xã này có nhiều người nuôi voi chứ không phải mình nhà mình…”.
Ông Chăm kể, đời ông, cha của ông đã nuôi voi, vì vậy ông cũng tiếp nối truyền thống này của ông cha mình. Năm 1973, ông sang tận Buôn Đôn (Đăk Lăk) mua 1 con voi đực với số tiền rất lớn lúc bấy giờ. Con voi này được ông đặt tên là Bạk Xôm.
Với người Tây Nguyên lúc bấy giờ, voi là con vật rất quan trọng trong đời sống của họ. Nhiều ngôi nhà sàn, nhà Rông sừng sững trước bầu trời đều có công rất lớn từ những con voi đi kéo gỗ trong rừng sâu về, giúp dân làng có gỗ dựng nhà. Voi Bạk Xôm cũng vậy, không chỉ nhà ông Chăm mà nhiều ngôi nhà khác khắp trong vùng đều được Bạk Xôm kéo gỗ về để dựng… Voi cũng giúp gia đình ông Chăm đi thăm người thân ở xa nhanh hơn.
Yă Tao là con voi nhà cuối cùng của mảnh đất đại ngàn Bắc Tây Nguyên
Thương Bạk Xôm thui thủi một mình, sau một thời gian tích cóp, vào khoảng năm 1990, ông Chăm tiếp tục mua thêm 1 con voi cái với giá tương đương 150 con bò để về làm vợ Bạk Xôm. Tuy nhiên, đến năm 1995 thì Bạk Xôm bỗng dưng chết.
Không chỉ BạK Xôm, theo ông Chăm, một số con voi khác trong vùng cũng lần lượt chết, rồi rừng cũng từ từ “biến mất”. Và cho đến nay, Yă Tao là con voi nhà còn sống duy nhất trên mảnh đất Bắc Tây Nguyên- Gia Lai và Kon Tum.
“Trước đây, xung quanh làng đều là rừng, tất cả những dãy núi kia cũng đều là rừng rậm hết. Nhưng bây giờ người ta phá hết rừng rồi, xung quanh đây không còn cây rừng nào cả, trên núi kia cũng không còn cây gỗ to nữa. Voi ở trong vùng cũng đã chết hết, chỉ còn mỗi Yă Tao”, ông Chăm nói trong xót xa.
Nhiều năm qua, Yă Tao sống cô độc mà không có bất kỳ một đồng loại nào ở gần
Rừng hết gỗ, người dân cũng bắt đầu chuyển sang xây nhà bằng gạch, nên nhiều năm nay Yă Tao rất “nhàn rỗi”. Tuy vậy, sự chăm sóc của gia đình ông Chăm đố với Yă Tao vẫn không thuyên giảm.
Yă Tao được gia đình ông Chăm nuôi ở những quả đồi quanh rẫy nhà mình, nơi hầu như chỉ còn những bụi le. Vào mỗi buổi chiều, bất kể mưa hay nắng, một số người con rể của ông Chăm lại thay nhau vào chỗ Yă Tao để dẫn Yă Tao xuống sông uống nước, và cột vào một chỗ khác để voi có thức ăn.
Rừng và voi ngày càng lùi vào dĩ vãng ở mảnh đất đại ngàn Bắc Tây Nguyên
Trước đây, khi biết tin ông Chăm đang sở hữu 1 con voi, đã có nhiều người và một số công ty du lịch đến hỏi mua Yă Tao nhưng ông Chăm kiên quyết không bán. Ngoài ra, còn có một số người giới thiệu từ bên Đăk Lăk, Lào, Campuchia sang ngỏ ý muốn đưa Yă Tao theo họ để về giúp con voi này có thể sinh sản được.
Ông Chăm không đồng ý bởi ông lo không rõ mục đích thật sự của những người hỏi mua voi là gì. “Trước đây, nhiều người hỏi mua nó, có người trả giá tới 1,5 tỷ đồng nhưng mình không bán, vì nó đã gắn bó nhiều năm với gia đình mình. Mình cũng muốn nó có thể sinh con nhưng do mình không biết những người sang hỏi mình là ai, nếu là nhà nước thì mình đã đồng ý rồi, nhưng chưa có ai là cán bộ nhà nước đến hỏi mình cả”, ông Chăm chia sẻ.
Ông Ksor Chăm là chủ nhân của con voi nhà cuối cùng của đất Bắc Tây Nguyên
Đến nay, voi Yă Tao đã có tuổi đời chừng 50 năm. Yă Tao không chỉ minh chứng cho một thời hùng vĩ của mảnh đất Bắc Tây Nguyên, một thời bạt ngàn rừng xanh, tràn đầy muông thú… mà Yă Tao còn là “nhân vật lịch sử” minh chứng cho sự đổi thay của thời cuộc.
Sống cô độc không có đồng loại, nhưng có lẽ niềm an ủi lớn nhất dành cho Yă Tao là tình cảm của gia đình ông Chăm. Không chỉ được chăm sóc hàng ngày, vào những dịp cuối năm, gia đình ông Chăm đều dẫn Yă Tao về nhà, làm lễ cúng để cầu cho con voi nhà mình có được sức khỏe tốt, không ốm đau bệnh tật… “Năm nào mình có tiền thì mình làm thịt cả 1 con trâu để cúng, nếu không có thì mình làm con heo, con gà cùng 5 ghè rượu để cúng cầu sức khỏe cho voi”, ông Chăm kể.
“Mình với Yă Tao có nhiều kỷ niệm, ngay chính ngôi nhà mình đang ở đây cũng là do Yă Tao kéo gỗ về để mình dựng nhà. Nhìn đâu cũng có kỷ niệm của mình và voi, không thương sao được!”, ông Chăm bày tỏ.
Tuệ Mẫn
Tag :Yă Tao, con voi cuối cùng, Ksor Chăm, Bắc Tây Nguyên, đại ngàn, Ia Pa, Gia Lai, rừng, Bạk Xôm