Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

TPHCM chính thức thu phí lòng đường, vỉa hè?

Sở GTVT TPHCM vừa có văn bản đề nghị các sở liên quan có ý kiến về đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn để tập hợp trình UBND TPHCM.

Theo Sở GTVT TP, hiện nay trên địa bàn thành phố có 345 tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, phục vụ kinh doanh và cho phép đỗ xe dưới lòng đường có thu phí.

Đường Phan Bội Châu (bên cạnh chợ Bến Thành) cho phép giữ xe dưới lòng đường
Đường Phan Bội Châu (bên cạnh chợ Bến Thành) cho phép giữ xe dưới lòng đường

Trong đó, có 160 tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng, 112 tuyến đường cho kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa và 73 tuyến đường cho phép đỗ xe dưới lòng đường có thu phí.

Hiện, các quận 1, 3, 5 đã triển khai thu phí sử dụng lòng đường để đỗ ô tô. Tuy nhiên, việc thực hiện thu phí dưới hình thức phiếu thu theo lượt với mệnh giá 5.000 đồng/xe/lượt là quá thấp. Ngoài ra, việc một số quận vẫn chưa triển khai tổ chức thu phí dẫn đến nhiều trường hợp lợi dụng vấn đề này để biến lòng lề đường thành bãi đỗ xe suốt thời gian dài.

Do đó, theo Sở GTVT TP, xây dựng một đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè mới sẽ giúp quản lý việc sử dụng một phần công năng của lòng đường, vỉa hè có hiệu quả, đúng mục đích, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…

Sở GTVT TP cho biết, đề án dựa trên cơ sở diện tích đất sử dụng, giá đất hằng năm do UBND TP ban hành vào năm 2014 và tỷ lệ phần trăm giá đất theo quyết định của TP vào năm 2017. Theo đó, nếu sử dụng tạm thời vỉa hè để làm bãi giữ xe, kinh doanh ẩm thực, chợ đêm và một số hoạt động dịch vụ khác thì phải đóng phí.

Cụ thể, đối khu vực I, tỷ lệ thu là 2% (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận); khu vực II, tỷ lệ thu là 1,8% (gồm các quận 6, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú); khu vực III, tỷ lệ thu là 1,6% (gồm các quận 2, 8, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức); khu vực IV, tỷ lệ thu 1,4% (gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn), huyện Cần Giờ thuộc khu vực V với tỷ lệ thu là 1,2%.

Theo đề án, đối với việc sử dụng tạm thời lòng đường để giữ xe (chưa áp dụng ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành, thu phí theo thời gian), mức thu tại khu vực I (từ 5 giờ đến trước 21 giờ) đối với ô tô từ 10 chỗ trở xuống là 20.000 đồng/xe/lượt, ban đêm là 40.000 đồng/xe/lượt. Các khu vực còn lại là 15.000 đồng và 30.000 đồng/xe/lượt.

Ngoài ra, đối với ô tô trên 10 chỗ, mức thu tại khu vực I là 25.000 đồng vào ban ngày và 50.000 đồng vào ban đêm/xe/lượt. Những khu vực còn lại có mức thu từ 20.000 đồng vào ban ngày và 40.000 đồng vào ban đêm.

Quốc Anh

Tag :thu phí đỗ xe, thu phí lòng đường, thu phí vỉa hè

Ô tô tông chết nhân viên trên phà rồi lao xuống sông

Trưa 1/6, thông tin từ một cán bộ Công an xã Kiến An, huyện Chợ Mới (An Giang) cho biết, gần 8h cùng ngày, tại bến phà Thuận Giang (thuộc xã Kiên An) xảy ra vụ tai nạn giao thông hy hữu khiến anh Trần Minh Phương (32 tuổi, ngụ huyện Phú Tân) thiệt mạng. Anh Phương là nhân viên đóng mở rào chắn trên chiếc phà.

Sau khi chiếc xe lao xuống sông, đôi vợ chồng ở trong xe nhanh chóng thoát ra ngoài qua cửa kính.

Sau khi chiếc xe lao xuống sông, đôi vợ chồng ở trong xe nhanh chóng thoát ra ngoài qua cửa kính.

Theo thông tin ban đầu, tai nạn xảy ra khi một chiếc phà chở khách vượt sông Vàm Nao từ huyện Phú Tân sang Chợ Mới. Khi phà chuẩn bị cập bến phía xã Kiến An, anh Phương bước ra mở cửa sắt chắn phía trước mũi phà cho khách lên bờ thì lúc này chiếc ô tô 7 chỗ ở trên phà bất ngờ lao về phía trước, tông thẳng vào người anh Phương khiến anh tử vong. Sau đó, chiếc xe lao thẳng xuống sông.

Sau vụ tai nạn, Công an xã Kiên An xác định người lái xe là Châu Hồng Ân (56 tuổi, ngụ thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân).

Sau khi chiếc xe lao xuống sống, ông Ân và vợ nhanh chóng mở cửa kính chui ra ngoài, được người dân đưa tàu đến cứu vớt kịp thời.

Thợ lặn đang trục vớt chiếc ô tô. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ tai nạn hy hữu này.

Nguyễn Hành

Tag :ô tô 7 chỗ lao xuống sông, ô tô tông chết người, phà thuận Giang

Lãnh đạo TPHCM thị sát điểm sạt lở, yêu cầu di dân khẩn cấp

Phó Chủ tịch UBND TPHCM thị sát khu vực sát lở

Báo cáo với Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, vết nứt xảy ra ở đường giao thông nông thôn cuối hẻm 1740 đường Lê Văn Lương, thuộc tổ 8, ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè vào sáng 30/5. Vết nứt nói trên dài khoảng 40m, rộng từ 2-6cm và ảnh hưởng trực tiếp đến 7 hộ dân.

Sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo xã Nhơn Đức và huyện Nhà Bè đã tiến hành vận động, di dời 3 hộ dân của ông Lê Quốc Cường, ông Võ Văn Quang và ông Nguyễn Văn Trí với tổng cộng 11 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm, bố trí nơi ở mới.

Tại buổi khảo sát, sau khi nghe ông Bùi Xuân Cường báo cáo về tình trạng sạt lở cũng như công tác di dời dân ra khỏi khu vực ảnh hưởng, ông Lê Văn Khoa đã yêu cầu lãnh đạo huyện Nhà Bè tiến hành di dời khẩn cấp 4 hộ dân còn lại đang nằm trong khu vực bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng giao cho Sở Giao thông vận tải phối hợp với UBND huyện Nhà Bè tiến hành khảo sát, lên phương án và khắc phục sự cố nói trên trong vòng 5 ngày tới.

Vết nứt sáng nay
Vết nứt sáng nay
Phó Chủ tịch UBND TPHCM - ông Lê Văn Khoa (thứ 2 từ phải sang) thị sát khu vực xuất hiện vết nứt.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM - ông Lê Văn Khoa (thứ 2 từ phải sang) thị sát khu vực xuất hiện vết nứt.

Ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM (góc phải) báo cáo về tình hình sạt lở.

Ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM (góc phải) báo cáo về tình hình sạt lở.

Đình Thảo

Tag :ông Lê Văn Khoa- Phó Chủ tịch UBND TPHCM, sạt lở, nứt đường

Tổng mức đầu tư dự án sân bay Long Thành là hơn 16 tỷ đô la

Chiều 1/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Trường Quang Nghĩa thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, tổng mức đầu tư và nguồn vốn cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương hơn 16 tỷ USD).

Thiết kế hoa sen được lựa chọn làm kiến trúc sân bay Long Thành
Thiết kế hoa sen được lựa chọn làm kiến trúc sân bay Long Thành

Giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự án có 2 nội dung trọng tâm cần được tập trung thực hiện là lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 và lập phương án, thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Sau khi chọn phương án thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách, chủ đầu tư sẽ tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định.

Đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã lập khái toán phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho toàn bộ dự án với diện tích hơn 5.600 ha với dự toán khoảng 23.000 tỷ đồng (trong đó đã bao gồm cả chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hai khu tái định cư và khu nghĩa trang là 5.080 tỷ đồng, chi phí dự phòng là gần 2.100 tỷ đồng).

Như vậy, ngoài phần tiền 2.092 tỷ đồng kinh phí dự phòng, phần vốn 5.080 tỷ đồng sẽ được thu hồi lại một phần khi thu tiền sử dụng đất cho các hộ dân vào khu tái định cư (ước tính khoảng 4.000 tỷ đồng). Nên tổng mức khái toán 23.019,6 tỷ đồng là cơ bản phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án, với quy mô 5.000 ha đất (bao gồm cả 1.050 ha đất cho quốc phòng, 1.200 ha đất cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không và các công trình thương mại khác). Trước mắt, để giải phóng mặt bằng một lần thì cần phải sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện, bởi vì, thực tế công tác giải phóng mặt bằng khó có thể huy động được từ nguồn vốn vay ODA cũng như kêu gọi xã hội hóa đầu tư.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có diện tích thu hồi đất lớn ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 5.000 hộ gia đình, cá nhân tổ chức. Việc tổ chức lại cuộc sống người dân là rất quan trọng đã được đề cấp trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trước đây Chính phủ đã trình và được Quốc hội khóa 13 thông qua tại Nghị quyết số 94/2015/QH13.

Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các cơ quan liên quan điều tra, khảo sát nắm thông tin và xây dựng đề án giải quyết việc làm và tổ chức cuộc sống cho người dân thuộc diện giải tỏa, di dời. Trong đó đã đề xuất các giải pháp đào tạo nghề và bố trí việc làm; lập và triển khai kế hoạch thực hiện chương trình phục hồi thu nhập và ổn định đời sống nhân dân.

Phương Thảo – Quang Phong

Tag :Cảng hàng không Long Thành, dự án sân bay Long Thành

Người dân dàn xe phản đối Trạm thu phí Quán Hàu

Theo đó, vào khoảng 9h30 sáng nay, nhiều tài xế đã đỗ xe chặn đường trước Trạm thu phí Quán Hàu trên QL 1A, thuộc địa phận xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình để phản đối và đòi quyền lợi khi đi qua trạm thu phí này.

Rất nhiều xe ôtô dán các dòng chữ “Dân chúng tôi không đi đường tránh sao phải đóng phí” trên cabin xe và chặn xe tại các làn đường vào Trạm thu phí Quán Hàu. Sự việc đã khiến giao thông trên QL 1A ách tắc cục bộ.

Theo một số lái xe,họ không sử dụng đường tránh TP Đồng Hới nhưng vẫn phải nộp phí khi qua trạm.

Theo một số lái xe,họ không sử dụng đường tránh TP Đồng Hới nhưng vẫn phải nộp phí khi qua trạm.

Theo một số lái xe, nguyên nhân họ phản đối là do mức phí đường bộ quá cao, đồng thời có những trường hợp không sử dụng đường tránh TP Đồng Hới nhưng vẫn phải nộp phí vì trạm thu phí đóng trên QL 1A bắt buộc phải đi qua.

Trước sự việc này, lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Bình đã có mặt tại hiện trường để xử lý, tuyên truyền các lái xe điều khiển xe ra khỏi các làn thu phí và phân luồng giao thông. Đến khoảng 10 giờ cùng ngày, xe qua trạm thu phí đã lưu thông trở lại bình thường.

Sự việc đã khiến giao thông trên QL 1A ách tắc cục bộ
Sự việc đã khiến giao thông trên QL 1A ách tắc cục bộ

Trạm thu phí Quán Hàu nằm ở phía Nam cầu Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, vốn được xây dựng để thu phí cho dự án cầu Quán Hàu. Tháng 9/2010, trạm hết thời hạn thu phí nên dừng thu, sau đó trạm này được dùng để thu phí cho dự án BOT tuyến tránh TP. Đồng Hới.

P.V

Tag :Trạm thu phí Quán Hàu, Phản đối trạm thu phí

Tài xế cố lái chiếc xe đang bốc cháy đi tìm nguồn dập lửa

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 9h30 sáng nay ngày 1/6, xe tải mang BKS 89C-106.43 do tài xế Lê Quang Hưng (40 tuổi, trú huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) điều khiển theo hướng Bắc - Nam, trên thùng xe chở một chiếc máy xúc, cửa kính nhôm và chiếu trúc.

Xe cứu hỏa và lực lượng PCCC có mặt tại hiện trường để dập lửa
Xe cứu hỏa và lực lượng PCCC có mặt tại hiện trường để dập lửa

Đến gần khu vực trạm thu phí của Công ty CP đầu tư xây dựng công trình giao thông 545 tại thị xã Điện Bàn, ngọn lửa bất ngờ bốc lên từ sau xe.

Ngay sau khi thấy ngọn lửa và khói bùng phát từ phía sau, tài xế xe tải đã cố lái xe chạy thêm một quãng đường dài để tìm nguồn nước dập lửa, đồng thời gọi điện báo lực lượng PCCC cùng người dân ra ứng cứu.

Ngoài phần đầu xe tải còn nguyên vẹn
Ngoài phần đầu xe tải còn nguyên vẹn

Nhận được tin báo, lực lượng CSGT trạm Thăng Bình cùng 2 xe cứu hỏa của lực lượng PCCC Bắc Quảng Nam đã có mặt tại hiện trường, phối hợp với người dân địa phương và tài xế Hưng ra sức dập lửa; đồng thời phân luồng điều tiết giao thông.

Dù tài xế và lực lượng chữa cháy rất nỗ lực nhưng phần sau của xe tải cùng chiếc máy xúc trên thùng xe vẫn cháy trơ khung.

Dù tài xế và lực lượng chữa cháy rất nỗ lực nhưng phần sau của xe tải cùng chiếc máy xúc trên thùng xe vẫn cháy trơ khung.

Sau khoảng 20 phút, ngọn lửa được dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên, chiếc máy xúc cùng một số hàng hóa trên thùng xe tải vẫn bị hư hỏng nặng.

Nguyên nhân vụ cháy đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.

Công Bính

Tag :xe tải cháy, cháy xe, lái chiếc xe đang cháy

Vụ sạt lở ở Cà Mau: Dân mất ăn mất ngủ lo sạt lở lan rộng

Sóc Trăng: Cần hơn 1.000 tỷ đồng khắc phục tình trạng sạt lở

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh này diễn ra nghiêm trọng và hết sức phức tạp, đe dọa trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân.

Ở huyện Kế Sách, theo ông Huỳnh Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách - cho biết, tình trạng sạt lở ở huyện này rất nghiêm trọng. Năm 2016 đến nay có 12 điểm sạt lở dài trên 2km với diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại về tài sản của người dân. Trước tình hình đó, UBND huyện đề nghị về cấp trên hỗ trợ vốn để khắc phục, gia cố những đoạn sạt lở này.

Ở huyện Kế Sách còn có khu vực xã An Mỹ, xã Nhơn Mỹ cũng đã từng xảy ra sạt lở khiến nhiều căn nhà bị chìm xuống sông, gây thiệt hại nhiều tỉ đồng.

Ông Trịnh Phước Hưng (ngụ xã Thới An Hội, huyện Kế Sách) cho biết: “Tôi ở đây đã mấy chục năm, năm ngoái ở khu vực chúng tôi sinh sống bị sạt lở nhưng không biết đi đâu vì đất không có. Sạt lở thì bà con ai cũng sợ nhưng không biết làm sao, cứ ở tạm rồi tính sau. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương có biện pháp giúp đỡ bà con”.

Tình trạng sạt lở ở xã An Mỹ, huyện Kế Sách.
Tình trạng sạt lở ở xã An Mỹ, huyện Kế Sách.

Còn ở huyện Long Phú có xã Song Phụng, thị trấn Đại Ngãi là nơi từng xảy ra sạt lở khiến nhiều căn nhà bị hư hỏng, bị thiệt hại hoàn toàn. Ông Phan Thanh Nhã- Chủ tịch UBND xã Song Phụng, cho biết, mấy năm qua, ở xã xảy ra sạt lở ở ấp Trường Tiền khiến cho 9 căn nhà bị hư hỏng và hiện nay nguy cơ sạt lở vẫn lơ lửng. Trước tình hình đó, người dân ở nơi bị sạt lở tự khắc phục di dời, chỗ sạt lở thì bà con tạm thời khắc phục chứ địa phương không có kinh phí.

Sạt lở bờ sông gâu thiệt hại nhà ở xã Song Phụng, huyện Long Phú.
Sạt lở bờ sông gâu thiệt hại nhà ở xã Song Phụng, huyện Long Phú.

Ở thị xã Vĩnh Châu, tuyến đê biển ở đây cũng bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài gần 10 km, mỗi năm lấn sâu vào đất liền từ 10-15m làm mất dần rừng phòng hộ ven biển, gây sạt lở và vỡ đê. Theo ngành chức năng, hiện tượng sạt lở trên chủ yếu do rừng phòng hộ hoặc thảm rừng phòng hộ mỏng, ít và tác động của thủy triều cùng sóng gió.

Nhằm khắc phục và hạn chế tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, tỉnh Sóc Trăng đã khuyến cáo người dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở phải cảnh giác cao với các mối nguy hiểm, nhất là vào những ngày mưa lớn kéo dài và tháng mùa lũ. Các ngành, các cấp đã tăng cường vận động, tuyên truyền nhân dân không xây dựng nhà ở sát ngã ba sông, khúc sông cong và những đoạn sông, kênh bị sạt lở để tránh thiệt hại về người và tài sản, vận động bà con di dời nhà đến nơi an toàn.

Sạt lở đê biển ở thị xã Vĩnh Châu.
Sạt lở đê biển ở thị xã Vĩnh Châu.

Ông Lê Văn Hiểu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Mỗi năm tỉnh Sóc Trăng có khoảng 20ha-30ha bị sạt lở, mất đất sản xuất, đất rừng phòng hộ, đai rừng phòng hộ của tỉnh cũng bị giảm. Thời gian tới, tỉnh sẽ thống kê toàn bộ và lên phương án xử lý mang tính căn cơ, lâu dài, sẽ làm phương án cân đối vốn từ địa phương cũng như tranh thủ hỗ trợ của Trung ương để làm bờ kè, trồng cây chắn sóng, trồng rừng phòng hộ,… hạn chế thiệt hại đến đất sản xuất, tài sản người dân”.

Theo ông Lê Văn Hiểu, về lâu dài, tỉnh rất cần nguồn kinh phí lớn để triển khai sắp xếp, bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng ảnh hưởng thiên tai, trong đó sắp xếp di dời dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao như Kế Sách, Song Phụng, Đại Ngãi. Do vậy, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận hỗ hợ kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng để triển khai các công trình cấp bách ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao.

Bạch Dương

Cận cảnh tuyến đường Hà Nội dự kiến chặt hạ, di chuyển hơn 1300 cây xanh

Cận cảnh tuyến đường Hà Nội chặt hạ, di chuyển hơn 1300 cây xanh

Đại biểu Quốc hội muốn chất vấn Thủ tướng việc xây chung cư gây tắc đường

Có 4 nhóm vấn đề được gửi tới buổi chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Có 4 nhóm vấn đề được gửi tới buổi chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Tổng thư ký Quốc hội vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến của các đoàn đại biểu đề xuất nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp này.

Báo cáo cho biết, ngày 24/5, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi công văn tới các đoàn đại biểu Quốc hội xin ý kiến đề xuất về nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 3. Kết quả, đã có 48 đoàn gửi lại văn bản (42 đoàn gửi lại văn bản có ý kiến đề xuất và 6 đoàn không có ý kiến).

Qua đó có rất nhiều vấn đề đại biểu muốn chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Cụ thể, nhóm vấn đề thứ nhất, về chủ trương di dời các trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội thành (Hà Nội,TPHCM) nhằm giải tỏa áp lực hạ tầng giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông… nhưng lại cho xây dựng quá nhiều khu chung cư, tạo áp lực giao thông và các vấn đề xã hội quá lớn.

Nhóm vấn đề thứ 2 các đại biểu quan tâm là Nghị định số 48 năm 2017 quy định một số cơ chế chính sách tài chính – ngân sách đặc thù cho TPHCM. Nghị định nêu rõ ưu tiên nguồn vốn Trung ương đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Tuy nhiên, các đại biểu đặt vấn đề, dự án xây dựng tuyến Metro (Bến Thành – Suối Tiên) chưa được bố trí kịp thời vốn, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của dự án, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân và tại sao lại có sự việc này?

Nhóm vấn đề thứ 3 đại biểu muốn chất vấn Thủ tướng là làm rõ tăng trưởng tín dụng năm 2016 đạt 18% là tập trung vào ngành/lĩnh vực nào và còn phù hợp với ngành/lĩnh vực mà Chính phủ đang tập trung tái cơ cấu hay không? đồng thời giải trình một số chỉ tiêu có liên quan đến tăng trưởng. Giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% và chất lượng tăng trưởng có đảm bảo.

Nhóm vấn đề thứ 4 được đề xuất là về việc điều tiết kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế; giải pháp tăng sản lượng sản xuất và tiêu thụ 2 triệu tấn than trong năm 2017; tái cơ cấu doanh nghiệp, phát triển các tập đoàn kinh tế đầu tàu tạo tiền đề phát triển chuỗi giá trị; chiến lược phát triển thị trường, cân đối vĩ mô về xuất nhập khẩu cũng là vấn đề được đại biểu quan tâm.

Tổng thư ký Quốc hội cũng cho biết, có một đoàn đại biểu Quốc hội đề xuất chất vấn nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ thấp? Tại sao Chính phủ thiếu tập trung chỉ đạo sử dụng vốn vay, vốn trái phiếu Chính phủ? Gải pháp khắc phục?

Một đoàn đại biểu khác nêu vấn đề tình trạng bội chi ngân sách nhà nước, nợ công tăng và ở mức cao, giải pháp khắc phục cho phiên chất vấn người đứng đầu Chính phủ.

Ngoài ra, các đại biểu còn muốn chất vấn người đứng đầu Chính phủ về tiết kiệm chi thường xuyên, kết quả và giải pháp thực hiện. Vấn đề thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng; tái cơ cấu nông nghiệp (quy hoạch vùng, cơ cấu sản phẩm, nguồn lực, thị trường về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chống sạt lở khu vực đồng bằng Sông Cửu long).

Có đến 3 đoàn đại biểu muốn chất vấn về biệc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp, kết quả và tồn tại; xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và giải pháp thực hiện tiếp theo; xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức thực thi nhiệm vụ.

Báo cáo tổng hợp của đoàn thư ký kỳ họp cũng nêu, có 2 đoàn đại biểu chọn chất vấn về giải pháp xử lý các khoản nợ xấu, các dự án thua lỗ kéo dài, trong đó làm rõ việc xử lý 12 đại án tham nhũng và giải pháp thu hồi tài sản bị thất thoát. Đại biểu cũng muốn người đứng đầu Chính phủ trả lời về hướng xử lý các dự án “nghìn tỷ” đắp chiếu và việc xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng đó. Giải quyết những dự án đầu tư không hiệu quả, doanh nghiệp thua lỗ kéo dài được Chính phủ báo cáo tại Kỳ họp thứ 2 đến nay (10 dự án thua lỗ lớn, thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước).

Nhóm vấn đề tiếp theo được đề xuất là công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện chủ trương cải cách bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công . Giải pháp cụ thể sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Việc thực hiện kỷ cương, trật tự trong quản lý, điều hành (tránh tình trạng “trên nói dưới không nghe”, đẩy việc lên cấp trên), trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu.

Có một đoàn đại biểu đề xuất chất vấn về chủ trương, chính sách và các giải pháp lớn về bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng nhân tài để có những nhà khoa học, nhà bác học, giáo sư giỏi trên các lĩnh vực. Một đoàn khác muốn chất vấn về cải cách thể chế gắn với cuộc cách mạng 4.0

Cải tạo, hồi sinh sông Tô Lịch, Sông Nhuệ - Đáy cũng nằm trong đề xuất chất vấn Thủ tướng.

Việc chất vấn lãnh đạo Chính phủ theo thông lệ không bị giới hạn bởi số lượng nhóm vấn đề nhất định. Sau phần trả lời chất vấn của 4 thành viên Chính phủ khác, lãnh đạo Chính phủ sẽ đăng đàn, chốt lại phiên chất vấn về tất cả các nội dung liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu.

Thông thường, tại kỳ họp giữa năm, Thủ tướng sẽ uỷ quyền cho Phó Thủ tướng thường trực trả lời chất vấn. Tuy nhiên, thảo luận về vấn đề này mới đây khi xem xét chương trình giám sát của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân muốn trao đổi với Thủ tướng để thống nhất, sau khi Phó Thủ tướng đăng đàn, Thủ tướng nên xuất hiện để nói thêm những vấn đề đại biểu quan tâm mà Phó Thủ tướng trả lời chưa rõ.

P.Thảo

Tag :chất vấn thủ tướng, Thủ tướng trả lời chất vấn

Chủ tịch Quốc hội: “Tân Sơn Nhất là nỗi ám ảnh cho người đi máy bay”

Chiều ngày 1/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trực tiếp phê bình các đơn vị liên quan vì chậm triển khai quyết định đầu tư Cảng hàng không Long Thành của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Chủ tịch Quốc hội khẳng định sự cần thiết phải tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành để kịp giai đoạn 1 của dự án. “Cơ sở pháp lý cũng như chủ trương có rồi, về kinh phí thì cũng có tiền rồi - chưa đủ nhưng cũng có và cũng có phương phương án khai thác quỹ đất để tạo nguồn vốn”, bà Ngân nói.

Theo báo cáo tiền khả thi của dự án thì tiền bồi thường tái định cư chỉ có 12.000 tỷ đồng, tới thời gian Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư thì phương án này đã tăng lên 18.000 tỷ đồng, và cho tới nay nó đang là 23.000 tỷ đồng. Chủ tịch Quốc Hội cho biết, số tiền 23.000 tỷ đồng là do phát sinh thêm 600 ha đất tái định cư mà trước đây chưa được tính đến.

“Thời điểm đó mình tính thu hồi đất để làm sân bay, làm bến cảng, làm khu công nghiệp phục vụ hàng không, làm dịch vụ nhưng không tính đến đất cho tái định cư”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lý giải.

Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trực tiếp phê bình các đơn vị liên quan vì chậm triển khai quyết định đầu tư Cảng hàng không Long Thành của Quốc hội, trong đó có việc hơn 2 năm qua nhưng chưa có báo cáo khả thi của dự án. Điều này đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội và dẫn tới nhiều hệ lụy. Theo bà Ngân nếu càng chậm trễ thì càng khó khăn, giá càng tăng, người dân cũng không yên tâm sản xuất.

Chứng kiến cảnh những ngày nay Sân bay Tân Sơn Nhất tắc đường, hành khách phải kéo hành lý chạy bộ vì sợ trễ máy bay mà bà Ngân cảm thấy thê thảm.

“Bây giờ nó đã quá tải ngay trước mắt chúng ta. Tân Sơn Nhất như một nỗi ám ảnh cho người đi máy bay. Thậm chí có người nhà ở gần sân bay mà phải đi sớm mấy tiếng vì sợ tắc đường”, bà Ngân nói.

Qua sự việc Cảng hàng không Long Thành, bà Ngân cho rằng phải rút nghiệm cho tuyến đường cao tốc Bắc Nam và dự án chống ngập cho TP Hồ Chí Minh sắp tới.

Phương Thảo - Quang Phong

Tag :Long Thành, Sân bay Tân Sơn Nhất, Tân Sơn nhất quá tải