Thanh tra Chính phủ cho rằng việc tố cáo phải thể hiện bằng văn bản hoặc tố cáo trực tiếp để ràng buộc nghĩa vụ của người tố cáo (Ảnh minh họa: Pháp luật TPHCM)
Theo tài liệu phục vụ cuộc họp thẩm định dự án Luật Tố cáo mới được Thanh tra Chính phủ gửi tới Bộ Tư pháp, một số ý kiến đề nghị bổ sung hình thức tố cáo bằng các phương tiện khác như điện thoại, thư điện tử, băng ghi âm… (Ban Dân nguyện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra tỉnh Thái Bình).
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ - cơ quan soạn thảo, cho rằng để đề cao trách nhiệm và ràng buộc nghĩa vụ của người tố cáo, nhất là trong trường hợp người tố cáo sai sự thật thì hình thức tố cáo phải được thể hiện bằng văn bản hoặc tố cáo trực tiếp, sau đó ghi lại bằng văn bản. “Do đó, Ban soạn thảo không quy định vấn đề này trong dự thảo Luật Tố cáo”- Thanh tra Chính phủ khẳng định.
Liên quan đến các biện pháp bảo vệ người tố cáo trong Luật tố cáo năm 2011, nhiều bộ ngành đánh giá còn chung chung, chưa phù hợp thức tiễn, cần quy định cụ thể hơn: Trường hợp nào, thời hạn bảo vệ, cách thức phối hợp, trách nhiệm cụ thể giữa người giải quyết tố cáo và cơ quan công an, cơ quan khác trong việc bảo vệ người tố cáo và người thân thích của người tố cáo…
“Việc thực hiện quyền tố cáo của công dân trong thời gian qua tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều trường hợp, người tố cáo bị trả thù, trù dập nhưng không được các cơ quan nhà nước bảo vệ. Thực tiễn giải quyết tố cáo của cơ quan nhà nước cho thấy tố cáo nặc danh, mạo danh chiếm một tỷ lệ đáng kể. Nguyên nhân của tình trạng trên là do chúng ta chưa có một cơ chế bảo vệ người tố cáo hiệu quả để người dân tin tưởng và mạnh dạn thực hiện quyền tố cáo của mình, đặc biệt là những tố cáo hành vi tham nhũng”- cơ quan soạn thảo nhận định.
Chính vì thế, dự thảo luật đã quy định việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện tại nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập, nơi có tài sản của người cần được bảo vệ hoặc những nơi khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Đối tượng bảo vệ gồm có người tố cáo và người thân thích của người tố cáo. Thời hạn bảo vệ do cơ quan có thẩm quyền quyết định tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng vụ việc, mức độ, tính chất của hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng cần được bảo vệ.
Người tố cáo có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ mình hoặc người thân thích của mình khi có căn cứ xác định việc bị kỷ luật, buộc thôi việc, luân chuyển công tác hoặc bị các hình thức trù dập, phân biệt đối xử khác, bị đe dọa xâm hại hoặc xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật; được yêu cầu gia hạn thời hạn bảo vệ và yêu cầu bảo vệ lại.
Tuy vậy dự thảo luật cũng yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu, căn cứ xác định việc bị xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín hoặc quyền, lợi ích hợp pháp khác là xác thực và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu đã cung cấp. Đồng thời tuân thủ yêu cầu mà cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ đưa ra có liên quan đến công tác bảo vệ; không được tiết lộ biện pháp bảo vệ cho người khác biết.
Thanh tra Chính phủ khẳng định phương án trên sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế bảo vệ người tố cáo, khuyến khích người tố cáo đúng sự thật. Với các quy định này, người dân sẽ tích cực, dũng cảm tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là tố cáo các vụ việc tiêu cực, tham nhũng; hạn chế, loại trừ những vụ việc người tố cáo bị đe dọa, trả thù, trù dập.
“Việc quy định như trên và việc tổ chức thực hiện tốt sẽ dẫn đến hạn chế các đơn thư, tố cáo nặc danh, mạo danh gây dư luận xấu trong các cơ quan, tổ chức”- cơ quan này kỳ vọng.
Công khai kết luận nội dung tố cáo
Thanh tra Chính phủ kiến nghị công khai kết luận nội dung tố cáo nhằm tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về giải quyết tố cáo. Việc công khai phải dễ thực hiện, phù hợp với điều kiện của từng trường hợp cần công khai.
Tuy nhiên, trên thực tế không ít kết luận giải quyết tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo có nội dung rất quan trọng và nhạy cảm, nếu công bố công khai cho tất cả các đối tượng sẽ dẫn đến hậu quả rất phức tạp về chính trị, kinh tế, xã hội. Do đó, Thanh tra Chính phủ nhìn nhận công khai với đối tượng nào, nội dung nào cần hết sức thận trọng. Dự thảo luật đề xuất kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo phải được công khai nhưng trừ những nội dung trong kết luận, quyết định thuộc bí mật nhà nước hoặc những nội dung có hại cho người tố cáo.
Việc quy định cụ thể, chi tiết về công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo trong dự thảo luật sẽ có tác động rất tích cực đến cả người bị tố cáo, người tố cáo và toàn xã hội. Đối với người tố cáo, các quy định trên giúp họ biết rằng việc thực hiện hành vi tố cáo đúng có tác dụng tốt trong cuộc đấu tranh bài trừ các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước và làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội. Hành vi của họ được nhà nước tôn trọng và xã hội đồng tình ủng hộ.
Đối với xã hội, việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo sẽ có tác động tốt tới dư luận, tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội đối với việc giải quyết tố cáo khách quan, kịp thời, đúng pháp luật; phê phán, lên án những hành vi vi phạm pháp luật, hành vi quan liêu tham nhũng của một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất và tạo thêm niềm tin và sự quyết tâm xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
“Đối với người bị tố cáo, các quy định trên có tác động trực tiếp đến thái độ, hành vi của họ nếu họ đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, tạo điều kiện để tự sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm. Đó cũng là cơ hội để được minh oan, được khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp nếu việc họ bị tố cáo là sai sự thật”- Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Thế Kha
Tag :bảo vệ người tố cáo, tố cáo trực tiếp, tố cáo hành vi tham nhũng